Từ tháng 7/2020 đến tháng 8/2021, Sở Tư pháp đã phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Luật gia và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh tổ chức 06 Hội nghị tập huấn kiến thức pháp luật; kỹ năng PBGDPL, trong đó có Luật trẻ em và các văn bản pháp luật liên quan đến trẻ em như: Luật Hộ tịch, Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi bổ sung năm 2017); Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Bình đẳng giới và văn bản hướng dẫn thi hành có liên quan… cho 1.130 đại biểu là thành viên của các nhóm nòng cốt ở cơ sở trên địa bàn các huyện: Vĩnh Thạnh, Phù Mỹ, Phù Cát, Tuy Phước.
Đồng thời, Sở đã biên soạn và phát hành 15.000 cuốn Bản tin Tư pháp Bình Định (trong đó, có các bài viết, hình ảnh, câu hỏi đáp về tuyên truyền, phổ biến Luật trẻ em và các văn bản pháp luật liên quan đến phụ nữ và trẻ em) và 3.000 cuốn tài liệu Hỏi - đáp pháp luật thực hiện Chương trình mục tiêu đảm bảo trật tự an toàn giao thông; phòng cháy, chữa cháy; phòng, chống tội phạm và ma túy (trong đó, có các quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) liên quan đến trẻ em, người dưới 18 tuổi, phụ nữ,…).
Bên cạnh đó, Sở đã phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Định xây dựng 05 số Tạp chí truyền hình “Pháp luật và đời sống” với các chủ đề có liên quan đến chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em như: “Luật An ninh mạng”; “Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007”; “Thực hiện liên thông dữ liệu đăng ký khai sinh, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 06 tuổi”; “Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009”; “Luật Giáo dục năm 2019”.
Về thực hiện trợ giúp pháp lý cho trẻ em, từ tháng 7/2020 đến tháng 8/2021, Sở đã chỉ đạo Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh và các Chi nhánh thực hiện trợ giúp pháp lý 55 việc, vụ việc cho 55 người có yêu cầu được trợ giúp pháp lý thuộc diện trẻ em. Trong đó, tư vấn hướng dẫn, giải đáp, cung cấp thông tin pháp luật 08 việc; tham gia tố tụng 45 vụ việc (bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp 41 vụ việc; tham gia bào chữa 04 vụ việc) và đại diện ngoài tố tụng 02 vụ việc.
Nhìn chung, công tác PBGDPL về trẻ em đã góp phần nâng cao nhận thức và làm thay đổi hành vi chấp hành pháp luật về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em của cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân. Ý thức của người dân trong vấn đề phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em đã có những dấu hiệu chuyển biến tích cực. Người dân đã thấy được trách nhiệm của mình trong việc tham gia phát hiện, tố giác những hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em với các cơ quan có thẩm quyền để kịp thời can thiệp, ngăn chặn và xử lý.
Các vụ việc trợ giúp pháp lý đều được Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm, Luật sư cộng tác viên, các cộng tác viên khác và các Chi nhánh thực hiện đảm bảo yêu cầu theo quy định của pháp luật. Các cơ quan tiến hành tố tụng ở tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố đã có sự phối hợp tích cực với Trung tâm và các Chi nhánh trợ giúp pháp lý trong việc tham gia tố tụng cho người được trợ giúp pháp lý nhất là đối tượng trẻ em và người chưa thành niên./.