Các lớp bồi dưỡng được tổ chức nhằm trang bị, củng cố kiến thức pháp luật về hòa giải ở cơ sở, các kiến thức pháp luật khác có liên quan (dân sự, hoôn nhân và gia đình, đất đai, hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hình sự,…) và nghiệp vụ, kỹ năng về hòa giải ở cơ sở thông qua các vụ việc cụ thể để các đại biểu vận dụng, giải quyết kịp thời, hiệu quả các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở phát sinh trong thực tế đời sống. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở, nâng cao chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở, tăng tỷ lệ hòa giải thành; góp phần giữ gìn tình làng, nghĩa xóm, phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng dân cư, phòng ngừa và hạn chế các vi phạm pháp luật, ổn định trật tự, an toàn xã hội tại địa phương; hoàn thành công tác xây dựng tiêu chí chuẩn tiếp cận pháp luật, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện, giai đoạn 2021 - 2025.
Hòa giải viên tham gia trao đổi trực tiếp tại Lớp bồi dưỡng
Được biết, đây là lần đầu tiên, huyện Tuy Phước tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật và nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở một cách đồng loạt cho toàn thể đội ngũ công chức Tư pháp - Hộ tịch và các hòa giải viên cơ sở hiện đang hoạt động trên địa bàn huyện. Hoạt động này nằm trong khuôn khổ triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2024 - 2030” và có ý nghĩa thiết thực, tạo điều kiện để công chức Tư pháp - Hộ tịch, hòa giải viên gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay và phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn công tác hòa giải ở cơ sở; từ đó, góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị, ổn định tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện./.