Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tọa đàm triển khai thực hiện Luật Trồng trọt năm 2018

Thứ hai - 16/11/2020 18:49
Luật Trồng trọt số 31/2018/QH14 được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 19/11/2018 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020. Nhằm tuyên truyền, phổ biến và triển khai thực hiện có hiệu quả luật này, vừa qua, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã phối hợp với các đơn vị liên quan và Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Định tổ chức tọa đàm triển khai thực hiện Luật Trồng trọt năm 2018 và được phát trực tiếp trên sóng Truyền hình Bình Định.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Trong lĩnh vực nông nghiệp, trồng trọt là một trong những ngành quan trọng của tỉnh Bình Định. Tuy gặp không ít những khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, giá cả nông sản bấp bênh… trong thời gian gần đây, ngành trồng trọt nói riêng và lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh nói chung vẫn giữ mức tăng trưởng khá ổn định. Trong 9 tháng đầu năm 2020, giá tri sản suất nông nghiệp đạt trên 12 nghìn 250 tỷ đồng, tăng 3,1 % so với cùng kỳ năm 2019, trong đó ngành trồng trọt đạt trên 6 nghìn 250 tỷ đồng, tăng 2,2%... Không chỉ tăng giá trị sản xuất, sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã dần chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, xây dựng và nhân rộng nhiều cánh đồng lớn, các chuỗi liên kết và tiêu thụ sản phẩm trồng trọt như chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ lúa giống, chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm, truy xuất nguồn gốc hoa, rau, quả điển hình như ở Hợp tác xã nông nghiệp Công nghệ cao Ân Phong…
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong quá trình thi hành pháp luật về trồng trọt đã bộc lộ nhiều hạn chế như: Việc Phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với định hướng thị trường; sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, bền vững tài nguyên thiên nhiên, các loại vật tư nông nghiệp; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng môi trường đất, nước, quy trình sản xuất; bảo tồn giống cây trồng đặc sản, giống cây trồng bản địa; bảo vệ hệ thống canh tác bền vững; dự báo, phòng, chống thiên tai và sinh vật gây hại cây trồng; tuân thủ điều ước và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế…; vẫn chưa được luật hóa cụ thể.
Tại buổi tọa đàm về Luật Trồng trọt 2018, ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, cho biết: Sau khi Luật Trồng trọt có hiệu lực thi hành, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 76/KH-UBND ngày 06/9/2019 về triển khai thi hành Luật Trồng trọt trên địa bàn tỉnh nhằm tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân biết, chủ động thực hiện. Sở Nông nghiệp và PTNT cũng đã phối hợp UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đã ban hành có liên quan đến Luật Trồng trọt; đề xuất với cơ quan có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới bảo đảm phù hợp, thống nhất với Luật Trồng trọt 2018.
Trao đổi về những điểm mới trong Luật Trồng trọt 2018, ông Hùng cho biết thêm: Sau gần 01 năm triển khai thực hiện Luật Trồng trọt 2018, chúng tôi thấy có những điểm mới, cụ thể:
Thứ nhất, bổ sung các nguyên tắc quản lý trong trồng trọt đảm bảo phát triển theo định hướng thị trường, sản xuất hàng hoá quy mô lớn, chất lượng, mở rộng phát triển thị trường trên cơ sở khai thác hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng biến đổi khí hậu, bảo đảm hài hoà lợi ích của Nhà nước với lợi ích của các tổ chức, cá nhân;
Thứ hai, bổ sung và luật hoá các chính sách đầu tư, hỗ trợ đầu tư; hỗ trợ hoặc ưu đãi của Nhà nước cho các hoạt động cần ưu tiên đầu tư, hỗ trợ phù hợp với yêu cầu phát triển trồng trọt trong giai đoạn mới;
Thứ ba, bổ sung và luật hoá công tác xây dựng chiến lược phát triển trồng trọt gắn với trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương;
Thứ tư, điều chỉnh các quy định quản lý giống cây trồng theo hướng hiện đại, phù hợp với yêu cầu thực tiễn và năng lực quản lý; giảm thủ tục hành chính và chi phí cho doanh nghiệp; từ quản lý mang nặng định tính chuyển sang quản lý bằng tiêu chuẩn và quy chuẩn, từ việc tiền kiểm sang hậu kiểm;
Thứ năm, luật hóa các quy định về quản lý phân bón, bổ sung quy định để quản lý chặt chẽ đối với các phân bón vô cơ hỗn hợp, ưu tiên phát triển sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ;
Thứ sáu, luật hóa quy định về hoạt động canh tác nhằm từng bước điều chỉnh hoạt động của các nhà quản lý, doanh nghiệp và người sản xuất theo hướng thay đổi quan hệ sản xuất, thiết lập mối liên kết sản xuất bền vững theo hình thức sản xuất có hợp đồng, tạo điều kiện để phát triển một nền sản xuất hàng hóa, có giám sát và cấp chứng nhận sản phẩm.
Tham gia phát biểu trong buổi tọa đàm, ông Đặng Quang Tám, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV, cho rằng: Bên cạnh những thuận lợi, trong quá trình triển khai thực hiện Luật Trồng trọt 2018, chúng tôi thấy có những khó khăn, cụ thể:
Thứ nhất, việc tuyên truyền phổ biến luật, cũng như thanh tra kiểm tra theo quy định mới của Luật Trồng trọt trong năm 2020 không thực hiện theo Kế hoạch do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid 19.
Thứ hai, Chính phủ chưa ban hành Nghị định xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm mới theo Luật Trồng trọt nên chưa có cơ sở pháp lý để xử lý vi phạm.
Để Luật Trồng trọt 2018 thực đi vào đời sống, phát huy hiệu quả và khắc phục được những vấn đề gặp phải trong thời gian qua, ông Đào Văn Hùng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT đã đề xuất thực hiện đồng bộ một số giải pháp cụ thể sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến, hướng dẫn các tổ chức cá nhân thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về Luật Trồng trọt; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.
Thứ hai, khuyến khích các doanh nghiệp, trang trại trồng trọt đang hoạt động đầu tư sản xuất ứng dụng công nghệ cao, công nghệ xử lý môi trường, đáp ứng yêu cầu sản xuất trồng trọt thân thiện môi trường. 
Thứ ba, tổ chức quản lý sản xuất trồng trọt theo hướng liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị góp phần giải quyết 03 khó khăn cốt lõi trong trong trồng trọt hiện nay đó là an toàn thực phẩm, giá cả - thị trường và bảo vệ môi trường.
Luật Trồng trọt được ban hành đã tạo khung pháp lý điều chỉnh các quan hệ xã hội trong trồng trọt, đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả, khả thi để phát triển trồng trọt theo định hướng thị trường, tạo nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng và từng bước hiện đại hóa, đảm bảo phát triển bền vững, an ninh lương thực, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nông dân, thích ứng biến đổi khí hậu và hội nhập kinh tế quốc tế. Thông qua buổi Tọa đàm, phần nào đã giúp cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành Nông nghiệp, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp nhận thức rõ hơn về những quy định của pháp luật trong trồng trọt từ đó thực hiện tốt nhiệm vụ tổ chức, triển khai, kiểm tra, thi hành luật, bảo đảm tính kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả./.

Tác giả bài viết: Sở Nông nghiệp và PTNT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Hình ảnh hoạt động
Thống kê
  • Đang truy cập7
  • Hôm nay596
  • Tháng hiện tại30,390
  • Tổng lượt truy cập522,639
Liên kết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây