Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Phạm Dân nhấn mạnh: “Hòa giải ở cơ sở có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, có thể nói đây là một phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả. Và người hòa giải viên chính là cầu nối giúp hàn gắn và khôi phục tình cảm giữa các bên tranh chấp, giúp duy trì mối quan hệ đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng dân cư. Do đó, để đạt được mục đích bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng hòa giải ở cơ sở, đề nghị các hòa giải viên tập trung theo dõi, lắng nghe và tích cực trao đổi, thảo luận với tinh thần thật sự cầu thị, nắm bắt các vấn đề thật chắc, thật kỹ để sau hội nghị có thể áp dụng ngay vào thực tiễn hoạt động của mình. Đặc biệt là phân biệt cho được “hòa giải ở cơ sở” và “hòa giải tại UBND cấp xã về tranh chấp đất đai”, tránh nhầm lẫn về thẩm quyền, trình tự, thủ tục tổ chức thực hiện giữa 02 hình thức hòa giải này…”.
Tại Hội nghị, các hòa giải viên đã được các báo cáo viên pháp luật của tỉnh truyền đạt 02 chuyên đề: “Hướng dẫn một số vấn đề cần tập trung trong công tác hòa giải ở cơ sở” và “Một số kiến thức, kỹ năng về hòa giải ở cơ sở”. Đồng thời, thông qua tiểu phẩm “Giữ lấy màu xanh” do chính các hòa giải viên tại địa phương biểu diễn, cùng với việc nhận xét, đánh giá của báo cáo viên đã giúp các hòa giải viên nâng cao kiến thức và kỹ năng hòa giải ở cơ sở, đặc biệt là cách vận dụng các quy định của pháp luật và cái lý, cái tình để hòa giải các mâu thuẫn, xích mích ở cộng đồng dân cư.
Bên cạnh đó, Hội nghị cũng đã dành thời gian để giải đáp những khó khăn, vướng mắc của hòa giải viên có liên quan đến công tác hòa giải ở cơ sở tại địa phương, nhất là việc thực hiện mức chi cho công tác hòa giải ở cơ sở theo Quyết định số 02/2016/QĐ-UBND ngày 26/01/2018 của UBND tỉnh; công nhận hòa giải viên là người dân tộc thiểu số…/.