Trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng liên ngành: CẦN MỘT CÚ HÍCH MẠNH HƠN
Thứ hai - 14/03/2022 13:21
Trợ giúp pháp lý là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý…, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật.
Theo quy định tại Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý, có 07 nhóm đối tượng được Nhà nước bảo đảm cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí: Người có công với cách mạng; hộ nghèo; trẻ em; người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi; người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo; người thuộc một trong các trường hợp có khó khăn về tài chính (cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ; người nhiễm chất độc da cam; người cao tuổi; người khuyết tật; người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự; nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình; nạn nhân của hành vi mua bán người; người nhiễm HIV). Để thực hiện việc trợ giúp pháp lý cho các nhóm đối tượng nêu trên, ngày 29/6/2018, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Tòa án nhân dân Tối cao và Viện kiểm sát nhân dân Tối cao đã ký Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC. Trên cơ sở đó, các hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng ở Trung ương và cấp tỉnh được thành lập do lãnh đạo Ngành tư pháp làm chủ tịch, Phó chủ tịch hội đồng; các cơ quan có ký kết liên tịch làm thành viên. Có thể nói, đây là cơ sở pháp lý để các hoạt động trợ giúp pháp lý trong cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh Bình Định nói riêng từng bước đi vào quy củ và nền nếp. Theo báo cáo của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Bình Định, năm 2021, có 260 vụ việc có sự tham gia của hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí (trong đó: Hình sự 232 vụ; dân sự 27 vụ; hành chính 01 vụ). Đạt được kết quả đó, có thể nói, các cơ quan tiến hành tố tụng và tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý đã coi trọng công tác thông tin tuyên truyền qua việc lắp đặt bảng thông tin trợ giúp pháp lý ngay tại trụ sở của các cơ quan tiến hành tố tụng; cung cấp các loại tờ gấp pháp luật, mẫu đơn đề nghị trợ giúp pháp lý và danh sách Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý cho các cơ quan tiến hành tố tụng để việc hướng dẫn thủ tục trợ giúp pháp lý đến với người dân một cách thuận lợi. Các hình thức thông tin về trợ giúp pháp lý đã góp phần giúp cho các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng biết được quyền và nghĩa vụ của bị can, bị cáo và các đương sự khác là người thuộc diện được trợ giúp pháp lý. Các cơ quan tiến hành tố tụng và tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý đã phối hợp khá nhịp nhàng trong công tác trợ giúp pháp lý; tạo điều kiện cho Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư tham gia ngay thời điểm thụ lý vụ án, vụ kiện; cấp giấy chứng nhận tham gia tố tụng; giới thiệu người thuộc diện được trợ giúp pháp lý, hướng dẫn viết đơn, ký hoặc điểm chỉ, bổ sung các giấy tờ chứng minh người được trợ giúp pháp lý; xếp lịch để các trợ giúp viên và Luật sư gặp gỡ đối tượng, giúp họ nhận thức và tự tin hơn trong việc trình bày lời khai, nghiên cứu hồ sơ vụ việc. Chất lượng, hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý được đảm bảo; tính khách quan trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử vụ án được nâng lên, góp phần, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của công dân; chống oan sai trong hoạt động tố tụng. Hoạt động bào chữa, tham gia tranh tụng, luận cứ của Trợ giúp viên pháp lý và Luật sư tại phiên toà hầu hết được hội đồng xét xử chấp thuận. Kết quả kiểm tra của Hội đồng phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tỉnh Bình Định trong việc thực hiện Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC tại 03 cơ quan tiến hành tố tụng huyện Phù Cát, Vân Canh, Tây Sơn và Tuy Phước, ngoài những kết quả đạt được nêu trên, các cơ quan tiến hành tố tụng tại các địa phương được kiểm tra chưa coi trọng đúng mức công tác lãnh đạo, chỉ đạo trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng, cụ thể như chưa có đơn vị nào xây dựng kế hoạch, cụ thể hóa Kế hoạch số 31/KH-HĐPH, ngày 12/03/2021 của Hội đồng tỉnh. Theo ông Lê Thành Trung - Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Bình Định, tính đồng bộ trong công tác phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng; giữa cơ quan tiến hành tố tụng với tổ chức trợ giúp pháp lý chưa cao đơn cử như: Có trường hợp là hộ nghèo tham gia tố tụng trong vụ án dân sự nhưng vì không được người tiến hành tố tụng giải thích, đến khi bản án có hiệu lực pháp luật, cơ quan thi hành án yêu cầu nộp án phí mới phát hiện họ rơi vào trường hợp thuộc diện được trợ giúp pháp lý miễn phí và không phải nộp án phí sung công. Tương tự, có trường hợp là bị đơn trong vụ ly hôn, là nạn nhân của bạo lực gia đình, khó khăn về kinh tế nhưng vì không hiểu biết về chính sách trợ giúp pháp lý miễn phí nên vẫn loay hoay đi tìm luật sư bào chữa cho mình. Hay là, hoạt động trợ giúp pháp lý chủ yếu được tiến hành trong lĩnh vực hình sự, chủ yếu rơi vào các trường hợp bị can, bị cáo là người chưa thành niên, thủ tục tố tụng buộc phải có người bào chữa, nếu không sẽ vi phạm tố tụng dẫn đến bản án bị hủy. Do đó, có việc trợ giúp pháp lý mang tính hình thức, nặng về thủ tục tố tụng. Tỷ lệ các vụ việc, vụ án dân sự được trợ giúp pháp lý còn thấp so với nhu cầu thực tế; thiếu sự cân đối giữa lĩnh vực hình sự và dân sự. Kết quả kiểm tra 4 địa phương nói trên, huyện Vân Canh là đơn vị duy nhất có hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí cho 07 nhóm đối tượng trong cả hai lĩnh vực hình sự và dân sự. Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên xuất phát từ nhận thức của một số lãnh đạo cơ quan tiến hành tố tụng, chưa xem trợ giúp pháp lý là một nhiệm vụ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành, cơ quan, đơn vị; một số cơ quan có thay đổi cán bộ lãnh đạo nên khó đảm bảo tính liên tục trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền về chính sách, quy định điều kiện được trợ giúp pháp lý miễn phí chưa sâu rộng. Một trong những giải pháp đặt ra nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác phối hợp trợ giúp pháp lý miễn phí, các cơ quan là thành viên trong Hội đồng phối hợp trợ giúp pháp lý liên ngành tố tụng tỉnh Bình Định phải tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo; xây dựng kế hoạch cụ thể hóa kế hoạch của Hội đồng liên ngành tỉnh; những người tiến hành tố tụng như Điều tra viên, Kiểm sát viên và Thẩm phán phải thực hiện việc giải thích cho người tham gia tố tụng về quyền được trợ giúp pháp lý miễn phí đối với 07 nhóm đối tượng theo Luật Trợ giúp pháp lý và xem đây là một nội dung trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành, cơ quan, đơn vị gắn với việc đưa ra chỉ tiêu nhằm khắc phục “khoảng trống” trong công tác trợ giúp pháp lý trên lĩnh vực dân sự.
Tác giả bài viết: Phạm Dân (Phó giám đốc Sở Tư pháp Bình Định)