Tham dự Chương trình có Phó Giám đốc Sở Tư pháp Phạm Dân cùng Lãnh đạo Nhà trường, các giáo viên và 300 em học sinh từ lớp 6 đến lớp 10.
Phát biểu khai mạc Chương trình, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Phạm Dân nhấn mạnh: “Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống không chỉ là vi phạm pháp luật mà còn để lại nhiều hệ lụy, làm ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của mỗi cá nhân, gia đình và xã hội. Vì vậy, các em học sinh vùng dân tộc thiểu số và miền núi cần phải có kiến thức, sự hiểu biết cơ bản để phòng tránh; xem chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật là sân chơi tìm hiểu, học tập các thông tin về tảo hôn và hôn nhân cận huyết để trang bị kiến thức pháp luật cho mình. Đồng thời, mong muốn chính các em sẽ là cầu nối tuyên truyền về tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết tới ông bà, cha mẹ, bạn bè cùng lứa để mọi người cùng nâng cao hiểu biết, thay đổi hành vi, loại bỏ các hủ tục lạc hậu trong hôn nhân của đồng bào dân tộc thiểu số; từ đó, mỗi người sẽ trở thành một nhân tố nòng cốt, tích cực tham gia vào các hoạt động tuyên truyền phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong gia đình, dòng họ và địa bàn sinh sống”.
Tại Chương trình, các em học sinh đã tích cực lắng nghe, tham gia đầy đủ các hoạt động: Phổ biến kiến thức pháp luật (về hôn nhân và gia đình, phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết; chế tài xử lý hành chính, hình sự liên quan đến tảo hôn, hôn nhân cận huyết; hậu quả, tác hại, hệ lụy do tảo hôn, hôn nhân cận huyết gây ra) và tham gia thi tìm hiểu pháp luật về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống dưới hình thức rung chuông vàng.
Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật cho học sinh vùng dân tộc thiểu số và miền núi là một trong những hoạt động triển khai Kế hoạch thực hiện Tiểu dự án 2 thuộc Dự án 9: Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Bình Định giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025. Trong năm 2024, Chương trình được tổ chức tại 02 Trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú trên địa bàn tỉnh là: THCS bán trú Canh Thuận và Phổ thông Dân tộc nội trú THCS & THPT An Lão.
Theo báo cáo của Ban Dân tộc, trong năm 2023, trên địa bàn huyện An Lão không xảy ra trường hợp tảo hôn; tuy nhiên, toàn huyện có 31 trường hợp mang thai khi chưa đến tuổi kết hôn. Đây cũng là một thực trạng đáng báo động, đòi hỏi sự quan tâm, vào cuộc của các cấp, ngành, cả hệ thống chính trị và sự hưởng ứng tích cực của Nhân dân địa phương./.