Đề án được triển khai thực hiện từ năm 2021 đến hết năm 2027 tại các thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố và cộng đồng dân cư khác, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục đóng tại xã, phường, thị trấn, cơ sở sản xuất tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trên cả nước, các trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng do Bộ Công an quản lý (địa bàn cơ sở). Trong đó, ưu tiên thực hiện tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có đồng bào dân tộc thiểu số, địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự (ANTT)…
Mục tiêu chung của Đề án nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong nhận thức, ý thức chấp hành, học tập, tìm hiểu pháp luật của quần chúng nhân dân tại các địa bàn cơ sở; nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của công tác PBGDPL gắn với vận động quần chúng nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở của lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ CAND và cả hệ thống chính trị các cấp; đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp thực hiện công tác PBGDPL gắn với vận động quần chúng nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở, góp phần tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa và nâng cao hiệu quả phòng ngừa tội phạm, tái phạm tội và các hành vi vi phạm pháp luật khác do thiếu hiểu biết pháp luật.
Đề án phấn đấu 100% quy định của pháp luật về ANTT liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ của công dân như: Các quy định pháp luật về hình sự; dân sự; thi hành án; xử lý vi phạm hành chính; cư trú; đăng ký, quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; phòng cháy, chữa cháy; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; phòng, chống ma túy và tệ nạn xã hội... được thông tin kịp thời đến quần chúng nhân dân bằng hình thức phù hợp (trừ những quy định thuộc bí mật Nhà nước), đưa pháp luật về ANTT vào cuộc sống, nâng cao hiệu quả công tác vận động quần chúng nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở.
Bảo đảm từ 90 - 100% đối tượng đặc thù ở cơ sở thuộc phạm vi quản lý, giáo dục của lực lượng CAND được phổ biến các quy định pháp luật có liên quan đến quá trình giáo dục, cải tạo, quản lý đối tượng.
Hằng năm, Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải lựa chọn, xây dựng ít nhất 01 mô hình PBGDPL gắn với vận động quần chúng nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở, tập trung vào những điểm nghẽn lớn, những hạn chế, vướng mắc, bất cập để ưu tiên nguồn lực triển khai thực hiện.
Định kỳ hằng năm tổ chức tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng PBGDPL và các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành có liên quan đến ANTT cho chủ thể thực hiện Đề án. Phấn đấu 80% đội ngũ cán bộ, chiến sĩ CAND thực hiện công tác PBGDPL tại cơ sở được tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng tuyên truyền, PBGDPL đáp ứng yêu cầu công tác công an trong tình hình mới.
Xây dựng và duy trì quan hệ phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng CAND ở cơ sở với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong triển khai thực hiện công tác PBGDPL gắn với vận động quần chúng nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở.
Đẩy mạnh xã hội hoá công tác PBGDPL, huy động các nguồn kinh phí hỗ trợ tự nguyện từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật, vừa phục vụ công tác PBGDPL tại cơ sở, vừa bảo đảm yêu cầu công tác vận động quần chúng của lực lượng CAND.
Có chính sách hỗ trợ phù hợp đối với cán bộ, chiến sĩ CAND thực hiện công tác PBGDPL nói chung và triển khai thực hiện nhiệm vụ của Đề án nói riêng.
Phấn đấu 90% Công an xã, phường, thị trấn ứng dụng công nghệ thông tin trong PBGDPL bằng các hình thức phù hợp với yêu cầu công tác công an trên địa bàn và theo quy định của pháp luật.
Để đạt được những mục tiêu trên, Đề án sẽ triển khai các giải pháp cụ thể:
- Nâng cao nhận thức, phát huy vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ Công an các cấp trong PBGDPL gắn với vận động quần chúng nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở; hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan đến công tác PBGDPL và công tác vận động quần chúng thuộc phạm vi của Đề án; tổ chức điều tra, khảo sát, đánh giá nhu cầu thông tin về pháp luật của từng nhóm đối tượng, địa bàn, lĩnh vực tại các thời điểm khác nhau; tổ chức triển khai công tác PBGDPL toàn diện, rộng khắp đến mọi đối tượng, địa bàn, lĩnh vực, có trọng tâm, trọng điểm…
- Đổi mới nội dung, hình thức PBGDPL của lực lượng CAND ở cơ sở theo hướng lấy người dân làm trung tâm và phù hợp với đặc điểm, tính chất của từng nhóm đối tượng, địa bàn, lĩnh vực, thích ứng với các tình huống đặc biệt phát sinh trong thực tế nhằm trang bị kiến thức pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho quần chúng nhân dân; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng trong công tác PBGDPL.
- Đồng thời, triển khai xây dựng và nhân rộng các mô hình điểm về PBGDPL gắn với vận động quần chúng nhân dân chấp hành pháp luật, hướng hoạt động PBGDPL về cơ sở; tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong triển khai các hoạt động PBGDPL của Đề án./.