Triển khai Đề án “Nâng cao năng lực cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2024 - 2030”
Thứ ba - 11/06/2024 08:45
UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định số 2049/QĐ-UBND ngày 10/6/2024 ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2024 - 2030” trên địa bàn tỉnh Bình Định.
Theo đó, Đề án được triển khai thực hiện tại các huyện có đơn vị cấp xã thuộc vùng đồng bào DTTS&MN theo quy định của pháp luật (gồm: An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh, Hoài Ân, Tây Sơn, Phù Cát).
Mục tiêu giai đoạn 1 (năm 2024 và năm 2025): Số lượng báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật tại vùng đồng bào DTTS&MN được đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số (DTTS) phù hợp với ngôn ngữ tại địa phương tăng thêm ít nhất 20% so với số lượng năm 2023. Bổ sung mới ít nhất 10% đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật là cán bộ, công chức, viên chức người DTTS so với năm 2023; mỗi thôn, làng có ít nhất 01 tuyên truyền viên pháp luật là người DTTS hoặc biết tiếng DTTS; trong đó, ưu tiên lựa chọn, bồi dưỡng già làng, trưởng thôn, các chức sắc, chức việc tôn giáo, người có uy tín trong cộng đồng dân cư. Bảo đảm 100% báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật tại vùng đồng bào DTTS&MN được cung cấp thông tin, tài liệu pháp luật; bảo đảm ít nhất 70% báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật tại địa bàn này được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng PBGDPL phù hợp với đối tượng, lĩnh vực, địa bàn. Thực hiện các hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật tại 02 huyện có xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào DTTS&MN trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu giai đoạn 2 (từ năm 2026 đến năm 2030): Đề xuất, hoàn thiện chính sách, thể chế thu hút đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật và các lực lượng khác trong xã hội tham gia PBGDPL tại vùng đồng bào DTTS&MN bảo đảm đồng bộ, hiệu quả, khả thi. Đến hết năm 2030, số lượng báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật tại vùng đồng bào DTTS&MN được đào tạo, bồi dưỡng tiếng DTTS phù hợp với ngôn ngữ tại địa phương tăng thêm ít nhất 50% so với giai đoạn 1. Tiếp tục kiện toàn, bổ sung mới đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, bảo đảm tăng thêm ít nhất 25% số lượng cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS tham gia làm báo cáo viên pháp luật so với giai đoạn 1. Đến hết năm 2030, mỗi thôn, làng có ít nhất 02 tuyên truyền viên pháp luật là người DTTS hoặc biết tiếng DTTS. Bảo đảm 100% báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật tại vùng đồng bào DTTS&MN được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng PBGDPL phù hợp với đối tượng, lĩnh vực, địa bàn. Tiếp tục thực hiện hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, bổ sung hỗ trợ thêm 02 huyện có xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào DTTS&MN. Để triển khai thực hiện Đề án có hiệu quả, UBND tỉnh xác định 08 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cần được triển khai thực hiện đến hết năm 2030, gồm: Nâng cao nhận thức, phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; Rà soát, nghiên cứu, đề xuất, hoàn thiện thể chế, chính sách hỗ trợ cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật tại vùng đồng bào DTTS&MN; Xây dựng và phát triển đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật tại vùng đồng bào DTTS&MN bảo đảm về số lượng và hoạt động hiệu quả;Tăng cường năng lực của đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật bảo đảm hoạt động thực chất, có kỹ năng, nghiệp vụ tốt, am hiểu pháp luật; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số phục vụ hoạt động của báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật tại vùng đồng bào DTTS&MN; Hỗ trợ một số địa bàn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào DTTS&MN thực hiện các hoạt động nâng cao năng lực cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật; Tăng cường huy động các nguồn lực tham gia công tác PBGDPL tại vùng đồng bào DTTS&MN để hỗ trợ hoạt động của đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật; Kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện Đề án. UBND tỉnh giao Sở Tư pháp thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch này; chủ trì, đôn đốc, hướng dẫn các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; UBND các huyện: An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh, Hoài Ân, Tây Sơn, Phù Cát và các cơ quan có liên quantổ chức triển khai các nhiệm vụ được giao.Đồng thời, tổ chức quán triệt, truyền thông, phổ biến về ý nghĩa, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trong Đề án đến các cơ quan, đơn vị, địa phương bằng hình thức phù hợp. Ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp hướng dẫn các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; UBND các huyện: An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh, Hoài Ân, Tây Sơn, Phù Cát lồng ghép kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ có chung mục tiêu, đối tượng, nội dung với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh phê duyệt bố trí kinh phí triển khai thực hiện các nội dung của Kế hoạch từ nguồn kinh phí triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2026 - 2030 theo quy định của pháp luật. UBND các huyện: An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh, Hoài Ân, Tây Sơn, Phù Cát tổ chức quán triệt, truyền thông, phổ biến về ý nghĩa, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trong Đề án đến các cơ quan, đơn vị, địa phương thuộc phạm vi quản lý bằng hình thức phù hợp. Thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao nhận thức của các phòng, ban, ngành, hội đoàn thể, địa phương thuộc phạm vi quản lý về vị trí, vai trò của công tác PBGDPL nói chung, báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật tại vùng đồng bào DTTS&MN nói riêng. Đồng thời, hằng năm, căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch này, điều kiện, tình hình thực tiễn chủ động ban hành Kế hoạch và bố trí kinh phí triển khai các nhiệm vụ được giao bảo đảm thiết thực, chất lượng và hiệu quả; tổ chức lồng ghép với các chương trình, đề án có liên quan mà địa phương đang triển khai thực hiện. Căn cứ kế hoạch triển khai Đề án hằng năm, trong giai đoạn năm 2024 - 2025, các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động bố trí kinh phí thực hiện lồngghép từ nguồn ngân sách được phân bổ để thực hiện Nội dung số 2, Tiểu dự án 1, Dự án 10, Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 (nếu có) đối với các nhiệm vụ quy định tại Mục 3, 4, 5, 6, 7, 8 phần III Kế hoạch này theo quy định phân cấp ngân sách của Luật Ngân sách nhà nước và Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Đối với các nhiệm vụ khác, các sở, ban, ngành, địa phương chủ động bố trí kinh phí từ ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật và phân cấp ngân sách hiện hành, bảo đảm phù hợp với điều kiện, tình hình thực tiễn; đồng thời, huy động từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, tăng cường lồng ghép từ các chương trình, dự án có liên quan bảo đảm hiệu quả. Từ năm 2026 - 2030, Ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Tài chính tham mưu, trình UBND tỉnh bố trí kinh phí triển khai các nhiệm vụ của Kế hoạch từ kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN cho phù hợp với các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình trong giai đoạn 2026 - 2030 theo quy định tại Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030 và Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030./.