Nhận diện cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo tiêu chí nâng cao – Vấn đề đặt ra từ thực tiễn

Thứ tư - 12/04/2023 14:58
Trong những năm qua, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã được các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Bình Định quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện đạt được nhiều kết quả đáng phấn khởi. Bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được cải thiện rõ rệt.
Nhận diện cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo tiêu chí nâng cao – Vấn đề đặt ra từ thực tiễn
Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh Bình Định, đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 05 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới (đạt tỷ lệ 45,45%); có 83/113 xã  được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (đạt tỷ lệ 73,45%); 07/83 xã đạt chuẩn nông thôn mới được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (đạt tỷ lệ 8,4%). Kế thừa và phát huy thành tích đạt được, nhiều địa phương khi đạt chuẩn nông thôn mới đã hướng đến đăng ký xây dựng nông thôn mới nâng cao, làm cơ sở cho việc đăng ký, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Mới đây, Hội đồng thẩm định của tỉnh Bình Định đã bỏ phiếu đề nghị UBND tỉnh công nhận 05 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (Cát Hanh huyện Phù Cát; Phước Nghĩa, Phước Sơn, Phước Quang huyện Tuy Phước; Nhơn Hải thuộc TP Quy Nhơn); hiện đang chỉ đạo, tiếp tục hướng dẫn 5 xã thuộc huyện Phù Mỹ, Hoài Ân và Thị xã An Nhơn hoàn thiện các tiêu chí, hồ sơ; thẩm định và đề nghị trong quý 2/2023.
.
Trong tổng số 19 tiêu chí thuộc bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới nâng cao, giai đoạn 2021- 2025, ngành Tư pháp được phân công theo dõi, hướng dẫn, giúp đỡ việc thực hiện tiêu chí số 16 về chuẩn tiếp cận pháp luật theo tinh thần Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg, ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 1723/QĐ-BTP, ngày 15/08/2022 và Thông tư số 09/2021/TT-BTP, ngày 15/11/2022 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định về điểm số, hướng dẫn cách tính điểm các chỉ tiêu tiếp cận pháp luật, Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật và một số nội dung về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Trên cơ sở các quy định nêu trên, có thể thấy, nếu như muốn đạt tiêu chí chuẩn tiếp cận pháp luật chỉ cần đạt 90/100 điểm; quy trình công nhận chỉ cần thực hiện lấy ý kiến đánh giá của Mặt trận và các hội đoàn thể. Trong tiêu chí chuẩn tiếp cận pháp luật nâng cao, điều kiện cần, mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật hoạt động phải đáp ứng các yêu cầu như: Chỉ tiêu về “Tiếp cận thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật” phải đạt chuẩn tiếp cận pháp luật với số điểm tối đa (25/25); huy động được nguồn lực; khuyến khích nhân rộng và có hình thức khen thưởng.  Trong tiêu chí số 16 về chuẩn tiếp cận pháp luật nâng cao có 3 tiêu chí thành phần:
.
Tiêu chí 16.1: Có ít nhất 01 mô hình điển hình về phổ biến, giáo dục pháp luật và mô hình hòa giải ở cơ sở. Đây là các tiêu chí nâng cao nên quá trình tổ chức thực hiện đòi hỏi phải được đầu tư công phu từ khâu chọn mô hình điển hình tiên tiến như huy động nguồn lực (Bố trí con người; quan tâm hỗ trợ kinh phí, xã hội hóa; trang bị phương tiện, máy móc, thiết bị); lấy ý kiến đoàn thể, cộng đồng dân cư; tổ chức thực hiện, đề nghị cấp có thẩm quyền đánh giá hiệu quả và khuyến khích nhân rộng; có bằng khen, giấy khen hoặc hình thức khen thưởng khác trong 5 năm trở lại đây.
Trong thực tế, các địa phương đã thẩm định xét công nhận nông thôn mới nâng chọn “Câu lạc bộ nông dân với pháp luật”, “Nghe dân nói, nói dân nghe”… làm mô hình điển hình tiên tiến trong phổ biến giáo dục pháp luật; chọn “Ba tốt, ba sẵn sàng”, “ Dân vận khéo”…xây dựng mô hình điển hình tiên tiến trong hòa giải ở cơ sở.
Tuy nhiên, một số địa phương vẫn còn thể hiện sự lúng túng trong quá trình chỉ đạo và tổ chức thực hiện tiêu chí số 16. Có xã chọn mô hình không sát với nội dung (về phổ biến giáo dục pháp luật); lấy mỗi thôn một nhân tố điển hình trong công tác hòa giải thành lập một tổ hòa giải cấp xã gọi là mô hình điển hình tiên tiến trong công tác hòa giải…Một số địa phương chưa thể hiện quan tâm đúng mức trong việc huy động nguồn lực phục vụ các mô hình như: Chưa huy động được nguồn xã hội hóa; dự toán thu chi ngân sách hàng năm không phản ánh các mục chi bố trí cho công tác hòa giải (như hỗ trợ các tổ hòa giải, chi thù lao cho hòa giải viên); việc chi cho công tác hòa giải theo định mức của Quyết định số 02/2016/QĐ-UBND ngày 26/01/2016 của UBND tỉnh ban hành Quy định mức chi, quản lý và sử dụng kinh phí bảo đảm cho công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Bình Định có tình trạng  không chi đúng, chi đủ; “cắt xén bớt”,  hoặc theo kiểu “được chăng hay chớ”….
Để đạt mục tiêu cụ thể đến năm 2025 là phấn đấu có 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; thêm 02 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, sự cần thiết phải có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, trong đó có sự quan tâm của Ngành Tư pháp trong việc theo dõi giúp đỡ các địa phương thực hiện tốt tiêu chí số 16 trong bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới nâng cao, giai đoạn 2021-2025.

Tác giả bài viết: Phạm Dân – Phó giám đốc Sở Tư pháp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Hình ảnh hoạt động
Thống kê
  • Đang truy cập6
  • Hôm nay961
  • Tháng hiện tại32,449
  • Tổng lượt truy cập524,698
Liên kết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây