Theo đó, Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh đề nghị các cơ quan Thành viên; Hội đồng Phối hợp PBGDPL các huyện, thị xã, thành phố quan tâm, chỉ đạo tăng cường tuyên truyền, PBGDPL về gia đình với các nội dung:
Một là, tăng cường tuyên truyền, PBGDPL, nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp Nhân dân về vị trí, vai trò, giá trị, tầm quan trọng của gia đình và công tác xây dựng gia đình trong phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Gia đình là nhân tố quan trọng quyết định sự phát triển bền vững của đất nước. Gia đình là đối tượng tác động, thực hiện và thụ hưởng chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh là một trong những nội dung quan trọng, yêu cầu xuyên suốt của sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước.
Nội dung tuyên truyền, PBGDPL về gia đình cần chú trọng: Các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, trẻ em, phòng, chống bạo lực gia đình; ngăn chặn các tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình; quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của gia đình, các cơ quan, tổ chức, người thi hành công vụ liên quan đến gia đình để bảo đảm, thúc đẩy việc thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật về gia đình; các nội dung giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; các chuẩn mực, giá trị văn hóa gia đình; kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc…
Đồng thời, đề cao vai trò của gia đình trong nuôi dưỡng, định hướng giá trị, giáo dục thế hệ trẻ. Phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa, con người Việt Nam giàu lòng nhân ái, khoan dung, chân thành, tín nghĩa, trọng đạo lý, cần cù, chăm chỉ, tiết kiệm, sáng tạo, khát vọng, hiện đại. Nêu gương điển hình, tiêu biểu trong xây dựng gia đình hạnh phúc; kiên quyết đấu tranh chống lối sống thực dụng, tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình, xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu trong hôn nhân và gia đình.
Hai là, đa dạng và đổi mới hình thức tuyên truyền, PBGDPL về gia đình: Tùy theo đối tượng, địa bàn cụ thể, các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện đa dạng và thường xuyên đổi mới các hình thức tuyên truyền, PBGDPL về gia đình như: Tuyên truyền miệng (hội nghị, tọa đàm, giao lưu,…); tuyên truyền trực quan (khẩu hiệu, pano,…); thông qua các cuộc thi tìm hiểu pháp luật (thi viết, sân khấu hóa, thi trực tuyến,…), các phương tiện thông tin đại chúng (báo, đài,…), cổng/ trang thông tin điện tử, hệ thống truyền thanh ở cơ sở, mạng xã hội; phát hành tài liệu tuyên truyền (Bản tin, Hỏi - đáp, tờ gấp…); ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số,… Trong đó, cần tăng cường thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về gia đình trên các phương tiện thông tin đại chúng, các loại hình truyền thông mới; sử dụng hiệu quả internet và mạng xã hội phục vụ cho công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về gia đình.
Ba là, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan thành viên Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh; Hội đồng Phối hợp PBGDPL các huyện, thị xã, thành phố với các ban, ngành, hội đoàn thể các cấp trong việc lồng ghép nội dung giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa trong gia đình, trách nhiệm của các thành viên gia đình trong thực hiện bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình thông qua các phong trào, Cuộc vận động: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”,...
Bốn là, tiếp tục huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ cho công tác tuyên truyền, PBGDPL về gia đình; trong đó, ưu tiên khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa và đồng bào dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh xã hội hóa và tạo điều kiện để các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia tuyên truyền, hỗ trợ cho cán bộ, người lao động tham gia tìm hiểu, học tập nội dung chính sách, pháp luật về gia đình./.