Theo đó, Ban Chỉ đạo 138 tỉnh đề nghị Thủ trưởng các sở, ngành, hội đoàn thể thành viên Ban Chỉ đạo 138 tỉnh và Trưởng ban Ban Chỉ đạo 138 các huyện, thị xã, thành phố chủ động rà soát chương trình, kế hoạch công tác phòng, chống mua bán người năm 2024 của Ban Chỉ đạo 138 tỉnh và các văn bản chỉ đạo liên quan để chỉ đạo, đôn đốc triển khai thực hiện đảm bảo thời gian, tiến độ; xác định rõ trách nhiệm của từng ngành, từng cấp; vai trò trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương; phát huy sức mạnh tổng hợp cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống mua bán người. Tiếp tục triển khai các hoạt động trong đợt cao điểm hưởng ứng “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người” và “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7” năm 2024 hiệu quả, phù hợp với thông điệp quốc tế về phòng, chống mua bán người và tình hình thực tế tại đơn vị, địa phương.
Đồng thời, tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền phòng, chống mua bán người tại địa bàn cơ sở, những địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự an toàn xã hội; tập trung vào các nhóm đối tượng có nguy cơ cao, các đối tượng cụ thể. Đổi mới nội dung hình thức tuyên truyền, kết hợp giữa các phương tiện, biện pháp truyền thống với các kênh tương tác mới như các website, các trang mạng xã hội, các diễn đàn trên không gian mạng để phổ biến các quy định của pháp luật, chế tài xử lý hành vi mua bán người; những phương thức, thủ đoạn hoạt động tội phạm, nhất là thủ đoạn lừa đảo qua không gian mạng, hứa hẹn “việc nhẹ, lương cao” để dụ dỗ, lừa gạt người lao động ra nước ngoài… nhằm nâng cao cảnh giác; phát động quần chúng tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, kịp thời phát hiện, tố giác tội phạm mua bán người.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 138 Chính phủ, 6 tháng đầu năm 2024, tình hình tội phạm mua bán người có những diễn biến phức tạp, toàn quốc phát hiện, khởi tố mới 40 vụ (tăng 07 vụ so với cùng kỳ năm 2023). Bên cạnh các thủ đoạn truyền thống như: gặp gỡ để tiếp xúc làm quen trực tiếp với nạn nhân, các đối tượng có xu hướng thay đổi phương thức, triệt để lợi dụng mạng xã hội, kết nối, tương tác người dùng, chế độ ẩn danh bảo mật thông tin người gửi, tiếp cận nạn nhân, như: (1) Qua Facebook, zalo, viber... để dụ dỗ, lừa gạt nạn nhân, hứa hẹn “việc nhẹ, lương cao”, sau đó bán nạn nhân ra nước ngoài làm việc bất hợp pháp, bán dâm hoặc đòi tiền chuộc với số tiền lớn. (2) Lợi dụng kẽ hở của pháp luật trong tư vấn, môi giới hôn nhân với người nước ngoài, cho nhận con nuôi, du lịch, thăm thân nhân... để tuyển chọn, dụ dỗ, lôi kéo các cô gái có hoàn cảnh khó khăn lấy chồng nước ngoài, xuất khẩu lao động sang nước ngoài với thu nhập cao, sau đó lừa bán nạn nhân. (3) Lợi dụng chính sách, thủ tục xuất, nhập cảnh, các đối tượng người nước ngoài câu kết với người Việt Nam để tổ chức đưa người ra nước ngoài lao động sau đó thu giữ giấy tờ, hộ chiếu, không làm các thủ tục cư trú, bóc lột, cưỡng bức lao động nạn nhân. (4) Trên tuyến biên giới biển, nhất là các tỉnh phía Nam, hoạt động mua bán người núp bóng dịch vụ môi giới lao động biển (cò ngư phủ) vẫn diễn biến phức tạp, xảy ra tại các địa bàn các tỉnh từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Kiên Giang.
Trên địa bàn tỉnh, từ đầu năm đến nay chưa tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm mua bán người; lực lượng Công an đang tiếp tục xác minh 01 tin báo, tố giác tội phạm mua bán người dưới 16 tuổi; điều tra 01 vụ - 04 bị can về tội mua bán người dưới 16 tuổi./.