Một số điểm mới trong cơ cấu tổ chức của Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026

Thứ hai - 31/05/2021 13:28
Nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, trong đó có nội dung:
Một số điểm mới trong cơ cấu tổ chức của Hội đồng nhân dân các cấp  nhiệm kỳ 2021-2026
“Nghiên cứu, thực hiện giảm hợp lý số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp và giảm đại biểu HĐND công tác ở các cơ quan quản lý nhà nước; giảm số lượng phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động để thực hiện từ nhiệm kỳ 2021 – 2026”; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương có một số quy định mới về số lượng đại biểu HĐND, số lượng cấp phó và cơ cấu của Thường trực HĐND trong nhiệm kỳ 2021 – 2026 so với nhiệm kỳ 2016 – 2021.
Thứ nhất, thay đổi trong cơ cấu tổ chức HĐND cấp tỉnh
Về số lượng đại biểu HĐND: Tỉnh miền núi, vùng cao có từ 500.000 dân trở xuống được bầu 50 đại biểu; có trên 500.000 dân thì cứ thêm 50.000 dân được bầu thêm 01 đại biểu, nhưng tổng số không quá 75 đại biểu (giảm 10 đại biểu). Tỉnh không thuộc trường hợp nêu trên có từ 01 triệu dân trở xuống được bầu 50 đại biểu; có trên 01 triệu dân thì cứ thêm 70.000 dân được bầu thêm 01 đại biểu, nhưng tổng số không quá 85 đại biểu (giảm 10 đại biểu).
Thành phố trực thuộc trung ương có từ 01 triệu dân trở xuống được bầu 50 đại biểu; có trên 01 triệu dân thì cứ thêm 60.000 dân được bầu thêm 01 đại biểu, nhưng tổng số không quá 85 đại biểu (giảm 10 đại biểu). Thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh được bầu 95 đại biểu (giảm 10 đại biểu).
Về cơ cấu Thường trực HĐND: Thường trực HĐND cấp tỉnh gồm Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch HĐND, các Ủy viên là Trưởng ban của HĐND (bỏ chức danh Chánh Văn phòng HĐND cấp tỉnh).
Về số lượng cấp phó: Trường hợp Chủ tịch HĐND tỉnh là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách thì có 01 Phó Chủ tịch HĐND (giảm 01 Phó Chủ tịch); trường hợp Chủ tịch HĐND tỉnh là đại biểu HĐND hoạt động không chuyên trách thì có 02 Phó Chủ tịch HĐND. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách.
Thứ hai, thay đổi trong cơ cấu tổ chức HĐND cấp huyện
Về số lượng đại biểu HĐND: Huyện miền núi, vùng cao, hải đảo có từ 40.000 dân trở xuống được bầu 30 đại biểu; có trên 40.000 dân thì cứ thêm 7.000 dân được bầu thêm 01 đại biểu, nhưng tổng số không quá 35 đại biểu (giảm 5 đại biểu). Huyện không thuộc trường hợp nêu trên, thị xã có từ 80.000 dân trở xuống được bầu 30 đại biểu; có trên 80.000 dân thì cứ thêm 15.000 dân được bầu thêm 01 đại biểu, nhưng tổng số không quá 35 đại biểu (giảm 5 đại biểu).
Quận, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương có từ 100.000 dân trở xuống được bầu 30 đại biểu; có trên 100.000 dân thì cứ thêm 15.000 dân được bầu thêm 01 đại biểu, nhưng tổng số không quá 35 đại biểu (giảm 5 đại biểu);
Huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương có từ 30 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc trở lên do Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định theo đề nghị của Thường trực HĐND cấp tỉnh, nhưng tổng số không quá 40 đại biểu (giảm 5 đại biểu).
Về Thường trực HĐND: Thường trực HĐND cấp huyện gồm Chủ tịch HĐND, 01 Phó Chủ tịch HĐND (giảm 01 Phó Chủ tịch) và các Ủy viên là Trường ban của HĐND cấp huyện. Chủ tịch HĐND cấp huyện có thể là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách; Phó Chủ tịch HĐND cấp huyện là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách.
.
Cử tri bỏ phiếu bầu cử tại TP. Quy Nhơn sáng ngày 23-5-2021
 
Thứ ba, thay đổi trong cơ cấu tổ chức HĐND cấp xã
Về số lượng đại biểu HĐND: Xã miền núi, vùng cao và hải đảo có từ 2.000 dân trở xuống được bầu 15 đại biểu; xã miền núi, vùng cao và hải đảo có trên 2.000 dân đến dưới 3.000 dân được bầu 19 đại biểu (giảm 6 đại biểu); xã miền núi, vùng cao và hải đảo có từ 3.000 dân đến 4.000 dân được bầu 21 đại biểu; có trên 4.000 dân thì cứ thêm 1.000 dân được bầu thêm 01 đại biểu, nhưng tổng số không quá 30 đại biểu (giảm 5 đại biểu); xã không thuộc trường hợp nêu trên có từ 5.000 dân trở xuống được bầu 25 đại biểu; có trên 5.000 dân thì cứ thêm 2.500 dân được bầu thêm 01 đại biểu, nhưng tổng số không quá 30 đại biểu (giảm 5 đại biểu).
Phường có từ 10.000 dân trở xuống được bầu 21 đại biểu (giảm 4 đại biểu); phường có trên 10.000 dân thì cứ thêm 5.000 dân được bầu thêm 01 đại biểu, nhưng tổng số không quá 30 đại biểu (giảm 5 đại biểu).
Về cơ cấu Thường trực HĐND: Thường trực HĐND cấp xã gồm Chủ tịch HĐND, 01 Phó Chủ tịch HĐND và các Ủy viên là Trưởng ban của HĐND cấp xã (cơ cấu thêm các Ủy viên). Phó Chủ tịch HĐND cấp xã là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách.
Như vậy, HĐND các cấp trong nhiệm kỳ 2021 – 2026 có sự thay đổi so với nhiệm kỳ 2016 – 2021 về số lượng đại biểu HĐND được bầu, số lượng cấp phó và cơ cấu Thường trực HĐND.

Tác giả bài viết: Mai Phương

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Hình ảnh hoạt động
Thống kê
  • Đang truy cập3
  • Hôm nay5
  • Tháng hiện tại10,030
  • Tổng lượt truy cập448,891
Liên kết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây