Theo đó, Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh đề nghị các cơ quan thành viên Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh và Hội đồng Phối hợp PBGDPL các huyện, thị xã, thành phố triển khai, quán triệt, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân, đơn vị, địa phương về quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp (quy định tại Điều 7 Luật Lý lịch tư pháp) bảo đảm thực hiện đúng quy định của pháp luật, hạn chế tình trạng gia tăng đột biến hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp, gây khó khăn trong hoạt động của các cơ quan nhà nước và ảnh hưởng đến thời gian, chi phí của người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động, người lao động trong các doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn tỉnh về giá trị pháp lý, vai trò của Phiếu lý lịch tư pháp (quy định tại khoản 4 Điều 2 Luật Lý lịch tư pháp), bảo đảm việc sử dụng Phiếu lý lịch tư pháp đúng quy định. Bên cạnh đó, lồng ghép tuyên truyền, phổ biến các quy định có liên quan đến việc cấp, sử dụng Phiếu lý lịch tư pháp trong kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật hằng năm của cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương và có biện pháp cụ thể để tuyên truyền, phổ biến đến các cán bộ, công chức, đoàn viên, hội viên, doanh nghiệp, người dân theo phạm vi, lĩnh vực quản lý.
Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh cũng đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng (Báo Bình Định, Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Định,…), hệ thống Đài truyền thanh ở cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định về cấp, sử dụng Phiếu lý lịch tư pháp trên hệ thống thiết chế truyền thông trên địa bàn tỉnh…/.