Kết quả kiểm tra cho thấy, thời gian qua, cấp ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường đã có sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo thông qua việc ban hành nhiều văn bản để cụ thể hóa các nhiệm vụ cấp trên giao. Có sự quan tâm, bố trí nguồn lực có trình độ cử nhân Luật để thực hiện công tác PBGDPL; thực hiện xã hội hóa trong công tác PBGDPL. Việc triển khai các hoạt động PBGDPL trong nhà trường có trọng tâm, trọng điểm, nội dung phù hợp, hình thức sinh động. Trong đó, trường đã xây dựng “Tổ công tác PBGDPL” trong nhà trường; ưu tiên giáo dục kỹ năng thực hành, kỹ năng sống để phát huy tính chủ động, sáng tạo cho học sinh; xây dựng bài giảng điện tử, mô hình trực quan, tình huống pháp lý trong thực tiễn; thiết kế pano, áp phích tuyên truyền phù hợp với lứa tuổi; xây dựng hình ảnh, tư liệu phục vụ công tác tuyên truyền, PBGDPL thông qua các cuộc thi, hội thi, các buổi tọa đàm, nói chuyện chuyên đề, tổ chức các hoạt động ngoại khóa để tuyên truyền, PBGDPL về: an toàn giao thông; phòng, chống mua bán người, bạo lực học đường; phòng, chống ma túy; phòng cháy, chữa cháy; bảo vệ môi trường; phòng, chống tham nhũng... Nhờ vậy, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của đội ngũ cán bộ, giáo viên và học sinh của trường được nâng lên. Đa số cán bộ, giáo viên và học sinh đã tự giác tôn trọng và chấp hành pháp luật; sống, làm việc và học tập theo Hiến pháp và pháp luật. Trong năm học vừa qua, không có tình trạng bạo lực học đường, không có học sinh mắc các tệ nạn xã xội.
Bên cạnh đó, Đoàn kiểm tra cũng đã chỉ ra một số hạn chế trong công tác PBGDPL tại Trường THPT Xuân Diệu, như: Hoạt động PBGDPL trong nhà trường còn mang tính phiến diện, chủ yếu tập trung cho học sinh, chưa có hoạt động thiết thực để tuyên truyền, phổ biến cho cán bộ, giáo viên, công nhân viên. Tuy có mô hình PBGDPL sáng tạo nhưng chưa có đánh giá kết quả hoạt động. Các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam chưa thể hiện rõ nét để tôn vinh Hiến pháp và pháp luật…
Đoàn kiểm tra đã đề nghị Trường THPT Xuân Diệu, trong thời gian đến cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác PBGDPL để nâng cao nhận thức pháp luật cho cả cán bộ, giáo viên, công nhân viên và học sinh. Đổi mới phương thức PBGDPL sao cho ấn tượng, dễ nhớ, tránh nhàm chán, khô khan, nhất là trong việc giảng dạy môn học Giáo dục kinh tế và pháp luật, cần “ít” nhưng hiệu quả. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động PBGDPL cho học sinh. Phát huy hiệu quả hoạt động của “Tổ công tác PBGDPL” của Nhà trường trong từng năm theo kế hoạch đề ra…/.